Chào mừng bạn đến với Nhà Thuốc Tâm Tín
Rất nhiều ưu đãi và chương trình khuyến mãi đang chờ đợi bạn
Ưu đãi lớn dành cho thành viên mới
Nhà thuốc Tâm Tín

Rối Loạn Tiền Đình: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục

Thứ Năm, 04/03/2021
nhathuoctamtin

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Rối loạn tiền đình (tiếng Anh là Vestibular Disorders) là những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8. Nếu bộ phận này bị tổn thương sẽ khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch và cơ thể bị mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…

Dây thần kinh số 8 là thần kinh cảm giác, bao gồm hai phần, mỗi phần đảm nhận chức năng giác quan riêng:

  • Thần kinh ốc tai: chức năng cảm giác thính giác
  • Thần kinh tiền đình: chức năng cảm giác thăng bằng

Dây thần kinh số 8 xuất phát từ cầu não, đi vào xương đá qua lỗ ống tai trong, là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể.

2. Phân loại và triệu chứng của hội chứng tiền đình

Bệnh gồm 2 dạng với các biểu hiện đặc trưng khác nhau:

2.1. Rối loạn tiền đình ngoại biên

Chiếm tới 90 – 95% bệnh nhân, rối loạn tiền đình ngoại biên có biểu hiện đặc trưng là các cơn chóng mặt thoáng qua, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, chúng xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi. Bên cạnh đó, còn có thể xuất hiện tình trạng chóng mặt thật nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng được và thay đổi từ nằm sang ngồi được.

Đặc biệt cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung… Tình trạng này hay xảy ra ở những người làm việc văn phòng, ngồi lâu trong phòng lạnh và tiếp xúc thường xuyên với máy tính sẽ khiến vùng cột sống cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày làm co thắt động mạch cột sống thân nền.

2.2. Rối loạn tiền đình trung ương

Rối loạn chức năng tiền đình trung ương rất thường gặp với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. Tình trạng này là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do động mạch mang máu đến nuôi não bộ bị thiểu năng bởi tình trạng xơ mỡ động mạch…

Các triệu chứng bệnh ở giai đoạn đầu thường nhẹ như mất ngủ, người mệt mỏi nên bệnh nhân thường không chú ý. Tuy nhiên, thời gian sau khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bị bệnh sẽ thấy đi đứng không vững, choáng váng khi thay đổi tư thế, ngồi dậy khó khăn, nhất là vào buổi đêm về sáng…

Kết quả thăm dò cho thấy:

  • 80% người bệnh có tâm lý chủ quan, coi nhẹ bệnh khi thấy xuất hiện một số triệu chứng nghi ngờ bị tiền đình, không đi khám và điều trị ngay;
  • 77% người được hỏi cho biết không hiểu rõ về bệnh, thường nhầm lẫn với chứng bệnh thiểu năng tuần hoàn não;
  • 58% người bệnh tự chẩn đoán bệnh cho mình, hoặc nghe người khác chẩn đoán theo kinh nghiệm chứ không đến bệnh viện để được khám và kiểm tra cận lâm sàng.
  • Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng về việc hiểu và nắm rõ các dấu hiệu của bệnh để kịp thời thăm khám và điều trị.

3. Nguyên nhân rối loạn tiền đình

  • Rối loạn cơ quan tiền đình ngoại biên do các nguyên nhân: viêm thần kinh tiền đình do siêu vi gây ra, viêm tiền đình, bệnh meniere, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh 8, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp.
  • Nguyên nhân gây ra hội chứng tiền đình trung ương thường gặp nhất là migraine, nhiễm trùng não, suy động mạch cột sống thân nền, xuất huyết não, nhồi máu não, chấn thương, u não, xơ cứng rải rác.

4. Rối loạn tiền đình xảy ra ở lứa tuổi nào? Ai có nguy cơ mắc bệnh

Thông thường, đây là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh ngày càng trẻ hóa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến hơn ở người trưởng thành. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

Những đối tượng dễ mắc bệnh bao gồm:

4.1. Người cao tuổi

Như chúng ta thường biết, người cao tuổi bị đau tiền đình chiếm tỷ lệ khá cao, do con người đến độ tuổi bắt đầu bị lão hóa cơ thể, một số cơ quan bị suy giảm chức năng.

Một nghiên cứu gần đây về dịch tễ học ở Mỹ ước tính 35% người từ 40 tuổi trở lên đã trải qua một số cơn rối loạn đau tiền đình. Những người từ 65 tuổi trở lên thường bị chóng mặt, trong đó chóng mặt do rối loạn ở hệ thống tiền đình chiếm khoảng 50%. Khoảng gần 8 triệu người Mỹ trưởng thành mắc bệnh mãn tính. Nguy hiểm hơn khi từ những năm 70 trở lại đây, hơn một ½ số ca tử vong do tai nạn ở người già là do các  vấn đề liên quan đến, ngã do chóng mặt và mất cân bằng cân bằng.

Ở Việt Nam thực trạng này cũng diễn ra tương tự, số người mắc hội chứng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

4.2. Người làm việc trong môi trường căng thẳng

Môi trường làm việc áp lực cao, thường xuyên căng thẳng hoặc thói quen sinh hoạt không khoa học cũng tiềm ẩn nguy cơ cao.

Stress khiến cơ thể sản sinh một lượng lớn Hormone Cortisol gây ra một loạt các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch,… gây tổn thương hệ thống thần kinh, trong đó có dây thần kinh số 8 khiến hệ thống tiền đình nhận được thông tin không chính xác và hoạt động không đúng yêu cầu, dẫn đến rối loạn. Do đó tỷ lệ mắc bệnh ở dân văn phòng, người lao động trí óc… ngày càng gia tăng.

4.3. Phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai thường bị ốm nghén dẫn đến chán ăn, đặc biệt trong 3 tháng đầu, cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng, gây thiếu máu lên não khiến thai phụ chóng mặt, choáng váng. Đồng thời yếu tố tâm sinh lý thay đổi, lo lắng, mệt mỏi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận tiền đình, dễ dẫn tới hội chứng rối loạn tiền đình khi đang mang thai. Việc điều trị khi đang mang thai bắt buộc phải theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ hoặc biến chứng nguy hiểm.

5. Phương pháp chẩn đoán

5.1. Lâm sàng

Tình trạng bệnh có thể được chẩn đoán ban đầu dựa vào các dấu hiệu sau:

  • Chóng mặt: cảm giác đồ vật xung quanh quay tròn và thường kèm theo các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã, đặc biệt khó chịu.
  • Mất thăng bằng: Mức độ có thể rất mãnh liệt khiến bệnh nhân không thể đứng được thường gặp trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại biên hoặc có thể ở mức độ vừa phải được phát hiện thông qua các nghiệm pháp khám như: Dấu hiệu Romberg, bước đi hình sao…
  • Rung giật nhãn cầu: Là một vận động tự động của cả hai nhãn cầu, đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục có nhịp, khá đều đặn và sự liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau…

5.2. Cận lâm sàng

Dựa vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một số kiểm tra cận lâm sàng để củng cố cơ sở chẩn đoán bệnh:

  • Các xét nghiệm cơ bản;
  • XQ cột sống cổ đánh giá hẹp khe khớp;
  • Siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống: xác định mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch…;
  • Chụp CT-Scanner sọ não, MRI sọ não tìm các tổn thương như: U góc cầu tiểu não, TBMM não…
  • Đo chức năng tiền đình bằng Ảnh động nhãn đồ (VNG)

6. Biến chứng nguy hiểm

Bệnh dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

Dễ trầm cảm

Căn bệnh trầm cảm đang ngày càng phổ biến, một trong những nguyên nhân chính là do khi mắc phải, đa số người bệnh bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, không thể đứng vững và sinh hoạt khó khăn, điều này khiến họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, lạc lõng.

Dễ bị té ngã

Khi cơn đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng khi bệnh tái phát đột ngột ở nhất là lúc thức dậy vào buổi đêm, đang điều khiển phương tiện giao thông hoặc làm việc trên cao, có thể khiến họ gây ra tai nạn nguy hiểm cho chính bản thân và cả những người xung quanh.

Nguy cơ đột quỵ, tai biến

Rối loạn chức năng tiền đình khiến thông tin liên lạc được truyền đạt tới bộ não bị chậm trễ hoặc sai sót, gây ảnh hưởng đến trí nhớ và dẫn đến một số căn bệnh như: Alzheimer, Parkinson, thiếu máu não…

Ngoài ra khi lượng oxy lên não không được cung cấp đầy đủ khiến cho não rơi vào tình trạng thiếu oxy sẽ khiến vùng não bộ ngừng hoạt động, từ đó dẫn đến bệnh thiếu máu lên não, tai biến mạch máu não và u não; nghiêm trọng nhất là đột quỵ khiến người bệnh phải nằm liệt giường và thậm chí là tử vong.

Do đó khi gặp phải các triệu chứng của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể và có biện pháp can thiệp kịp thời.

7. Cách khắc phục tình trạng rối loạn tiền đình

Người bị chứng rối loạn tiền đình thường xuyên phải sử dụng thuốc phòng ngừa trước khi đi tàu xe. Một trong những cách khắc phục tình trạng này là tránh tập trung vào các dấu hiệu của bệnh bằng cách nghe nhạc, kể chuyện vui hoặc có thể đi ngủ. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng một số biện pháp khác như dán cao, bôi dầu… trước khi đi chỉ nên ăn nhẹ, không ăn quá no hay ăn những thức ăn nặng mùi. 

Nếu không tự kiềm chế được, cần phải nắm được cách xử lý cơn chóng mặt của người bệnh để tránh tai nạn không mong muốn xảy ra. Phải dừng điều khiển các phương tiện nếu thấy xuất hiện cơn rối loạn tiền đình, có thể sử dụng thuốc chống nôn hay cắt cơn. Nên để cho người bị chứng rối loạn tiền đình ngồi ở những vị trí thoáng gió, tránh phải di chuyển nhiều để tránh bị ngã gây chấn thương. Khi cơn trở nên nặng hơn, đặc biệt là đối với những người bị tai mũi họng hay não thì cần phải nhanh chóng đưa đi nhập viện để được điều trị kịp thời. Việc điều trị tích cực để trị triệt để các nguyên nhân gây hội chứng tiền đình như bệnh tai mũi họng, bệnh lý về não (thoái hóa, tai biến mạch máu não), các nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ bị chóng mặt và rối loạn tiền đình (tăng huyết áp, hạ huyết áp…). Đồng thời, để giảm thiểu nguy hiểm, người bị chứng rối loạn tiền đình nên tránh chọn những công việc có liên quan đến độ cao, máy móc… Nếu cơn xuất hiện nặng hơn thì cần phải đến bệnh viện để được tư vấn và điều trị kịp thời. 

Trên đây là một số chia sẻ về chứng rối loạn tiền đình và cách khắc phục. Hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích để chăm sóc tốt cho người bị rối loạn tiền đình nhé!

                                                                                                                                                                         (Nguồn: Tổng hợp)

 

 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan