Bí Quyết Giúp Bé Nhanh Biết Nói
Nhiều bố mẹ vẫn thường truyền tai nhau những mẹo dân gian giúp trẻ nhanh biết nói. Tuy nhiên, không phải mẹo dân gian nào cũng hiệu quả với mọi trẻ em. Bố mẹ hãy tham khảo những cách đơn giản mà hiệu quả dưới đây nhé.
Trò chuyện liên tục với trẻ
Đây là cách dạy cho trẻ nhanh biết nói đơn giản nhất nhưng lại đem lại hiệu quả to lớn. Bố mẹ hãy thường xuyên nói với trẻ những câu như: “Chú chó kia xinh quá con nhỉ?”, “Để mẹ mở nhạc cho con nghe nhé!”...
Ở giai đoạn 0-1 tuổi, dù trẻ mới chỉ bập bẹ những tiếng ê a, nhưng bố mẹ vẫn nên trò chuyện thường xuyên và liên tục với trẻ. Giao tiếp với trẻ ở tuổi này đôi khi giống như độc thoại vì bé chưa nói được, vốn từ vựng chưa phát triển, do vậy việc phản ứng với các câu hỏi của bố mẹ cũng chậm hơn. Tuy nhiên, khi có nhiều cơ hội được lắng nghe bố mẹ trò chuyện, trẻ sẽ biết nói nhanh hơn và dễ hoạt ngôn hơn.
Đọc sách và kể chuyện cho con nghe mỗi ngày
Thói quen đọc sách cho bé nghe hàng ngày ngay từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ là một việc làm được nhiều nhà khoa học khuyến khích. Bởi vì, đọc sách hàng ngày có thể giúp bé phát triển tư duy về mọi mặt. Bạn có thể lựa chọn những câu chuyện cổ tích hoặc những ngôn từ đẹp và đọc thường xuyên trước khi đi ngủ sẽ giúp cho vốn từ của bé được tăng lên rất nhiều và có thể giúp bé biết nói nhanh hơn đấy.
Cho con nghe nhạc và dạy con hát theo
Để dạy trẻ nhanh biết nói, bố mẹ hãy thường xuyên hát cho trẻ nghe những bài hát vui nhộn, ngôn từ dễ hiểu dành cho thiếu nhi, hãy hát đi hát lại và dạy trẻ hát theo bạn.
Cứ kiên nhẫn lặp lại như thế, bé sẽ dần dần thuộc lời bài hát, góp phần làm phong phú vốn từ của trẻ một cách hiệu quả. Từ đó việc dạy trẻ nhanh biết nói sẽ dễ dàng hơn.
Đồ chơi âm thanh
Những món đồ chơi như các loại đàn, trống, kèn… đều giúp bé có được tư duy tốt, sự cảm nhận nhanh nhạy và nhất là bổ sung vốn ngôn ngữ cho bé.
Trẻ có thể nhún nhảy theo điệu nhạc hoặc có thể ê a những giai điệu mà con nghe thấy, dần dần sẽ tạo thành phản xạ cực tốt khi bé nghe thấy những âm thanh, những giai điệu quen thuộc.
Có rất nhiều bé chưa biết nói nhiều từ những lại có khả năng hát hoặc ngân nga các giai điệu của ca khúc mình yêu thích. Đây là cách kích thích bé ghi nhớ và thoát âm rất tốt.
Bố mẹ và người thân có thể hỗ trợ bé bằng cách cùng chơi cùng hát với bé hoặc hát cách từ để con có thể vừa hát vừa đoán từ tiếp theo.
Động viên, khen ngợi sự cố gắng của trẻ
Khi bé bắt đầu ê a, bập bẹ biết nói những từ đơn giản hoặc thậm chí phải cố “dịch” mãi mới có thể nói ra được. Bạn hãy dành cho bé lời khen về sự cố gắng thay vì sự thất vọng. Vì như thế sẽ giúp bé tăng sự tự tin của mình để thích nói và tiếp tục học nói.
Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử (TV, điện thoại thông minh...)
Nhiều người cứ nghĩ rằng cho trẻ xem nhiều TV sẽ giúp trẻ biết nói nhanh hơn, nhưng sự thật thì nó khiến cho trẻ chậm biết nói hơn rất nhiều so với những đứa trẻ không xem TV. Bởi vì, khi cho trẻ xem những chương trình thiếu nhi trên TV những nhân vật trong TV không phản ứng với bé và việc trẻ dán mắt vào màn hình TV và nghe các bài hát, hội thoại phát ra từ nó thì thực sự có hại.
Đưa trẻ tới những khu vui chơi công cộng
Những chuyến đi chơi như tới khu vui chơi, vườn bách thú, công viên, bảo tàng… không những giúp trẻ mở rộng kiến thức mà còn khiến con mạnh dạn, tự tin hơn, có nhiều cơ hội giao tiếp hơn. Đặc biệt, việc này giúp mở rộng vốn từ vựng của trẻ vì con được tiếp xúc với nhiều đồ vật lạ cũng như các loài động, thực vật mới lạ.
3 LƯU Ý KHI TRÒ CHUYỆN CÙNG TRẺ
Bắt đầu từ sớm
Nhiều người nghĩ rằng trò chuyện với bé sơ sinh có vẻ là một điều vô nghĩa, vì trẻ chưa đủ phát triển để có thể phản ứng lại với bố mẹ. Tuy nhiên, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, tai và phần não phản ứng với âm thanh của trẻ đã bắt đầu hoạt động. Vậy nên việc bố mẹ tích cực trò chuyện với trẻ ngay từ khi con còn trong bụng mẹ có thể thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của con.
Chú ý tới các tín hiệu của trẻ
Bố mẹ hãy chú ý tới hướng nhìn của trẻ để xem điều gì có thể khiến con hứng thú rồi sau đó cung cấp cho trẻ những thông tin về các vật đó. Bố mẹ có thể dùng những từ đơn giản, dễ hiểu để mô tả về màu sắc, kích thước, hình dáng, hương vị… của các đồ vật. Ví dụ khi trẻ nhìn chằm chằm vào đồng hồ, bố mẹ có thể nói: “Đồng hồ xinh thế nhỉ? Đồng hồ màu trắng, hình tròn và bên cạnh còn có hình ảnh chú cún màu nâu đáng yêu quá con nhỉ?”.
Tương tác qua lại với trẻ
Hãy tạo ra những cuộc hội thoại có sự tham gia của cả bố mẹ và trẻ. Ví dụ bố mẹ hỏi con: “Con thấy chú chó kia không?”, sau đó trẻ đáp lại bằng tiếng ê a, thì bố mẹ nói: “Đúng rồi, chú chó đang ăn tối”. Việc này sẽ giúp trẻ học được rằng hội thoại là có sự tham gia từ cả hai phía và có sự lần lượt. Qua đó, trẻ cũng hiểu rằng bố mẹ quan tâm tới những gì mình nói, từ đó có động lực tập nói hơn.
Chúng tôi hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ đã biết thêm những thông tin hữu ích về các cách dạy trẻ nhanh biết nói và ứng dụng những phương pháp phù hợp với trẻ.
(Nguồn: Tổng hợp)